Lượt xem: 179

Nhiều sản phẩm nông nghiệp Sóc Trăng vượt “ao làng” để “xuất ngoại”

Khai thác tốt “dư địa” ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, vừa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, vừa hội tụ đầy đủ điều kiện xuất khẩu. Với việc xác định rõ các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực để đầu tư sản xuất, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã khẳng định được vị thế trên thị trường các nước khó tính, với kim ngạch xuất khẩu tăng đều qua các năm. Nông sản tỉnh nhà vượt “ao làng” để “xuất ngoại”, không chỉ mang đến lợi nhuận cao hơn cho người nông dân, mà còn góp phần khẳng định tốt vai trò quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp trong tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh.

 


Khâu đóng gói nông sản

 

    Là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhưng sản xuất nông nghiệp cũng là ngành hàng mang nhiều thách thức trước bối cảnh chung từ tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi về xu thế tiêu dùng, đặc biệt là rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe từ các nước nhập khẩu. Để thích ứng tốt trước xu thế chung, đòi hỏi cần có sự thay đổi đồng bộ từ cách thức quản lý, phương thức canh tác đến nhận thức của người trực tiếp sản xuất. Thông qua rất nhiều chương trình, dự án, đề án mang tính “trợ lực”, nhiều điểm nghẽn đã được khơi thông, để các mặt hàng chủ lực của tỉnh nâng cao khả năng cạnh tranh với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường.

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua, ngành tăng cường tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển bền vững, tích hợp đa giá trị, phát triển an toàn theo hướng chuẩn hóa các sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi tập trung phát triển trên 3 nhóm hàng chủ lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra là: Thủy sản, lúa đặc sản và cây ăn trái. Qua đó, rất nhiều dự án, đề án đã được triển khai và nhận được hiệu ứng tích cực từ bà con nông dân, như: Đề án sản xuất phát triển lúa đặc sản, Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản, Đề án phát triển tôm nước lợ, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ...”.

    Tính riêng trong năm 2023, tổng sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm trên 93,34% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh (vượt chỉ tiêu Nghị quyết). Ý thức của người trồng lúa đã có nhiều thay đổi tích cực khi ưu tiên chuyển đổi sang quy trình canh tác theo hướng sạch, an toàn, với 4.993 ha diện tích canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Giờ đây, nông dân trồng lúa đã có thể quản lý hiệu quả một số đối tượng dịch hại thông qua bẫy đèn thông minh, hạn chế tối đa công lao động từ máy bay phun thuốc hay máy cấy lúa, máy sạ cụm...

    Riêng đối với thủy sản, con tôm nước lợ tiếp tục là đối tượng chủ lực với nhiều mô hình nuôi tiên tiến được nông dân áp dụng hiệu quả, như: Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm tuần hoàn lót bạt nhiều giai đoạn, nuôi tôm trong ao tròn, ao nổi góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi… Đến nay, toàn tỉnh có 49 đơn vị sản xuất áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP), đạt 1.993,3 ha, trong đó có 04 hợp tác xã với diện tích gần 200 ha.

    Đối với cây ăn trái, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thiết lập lại sản xuất, hình thành các vùng trồng cây ăn trái đồng nhất về quy trình canh tác để tạo ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã. Đến nay, đã phát triển được 13.463 ha diện tích trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ. Nhà vườn áp dụng thành thạo các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, thực hiện bao trái để quản lý tốt sâu bệnh gây hại... Lũy kế đến nay, ngành đã hỗ trợ cho 21 hợp tác xã tại các huyện Long Phú, Kế Sách và Cù Lao Dung xây dựng vùng trồng và được cấp 104 mã số với diện tích 593,47 ha, trên cây vú sữa, nhãn, bưởi, xoài và sầu riêng.

    Thành công ở lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã tạo nên nguồn nguyên liệu đạt chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Qua đó, tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đạt được nhiều chuyển biến tích cực khi tiếp cận được nhiều thị trường khó tính trên thế giới, như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh trong năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 950 triệu USD (chiếm gần 65% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Xuất khẩu gạo chiếm gần 450 triệu USD (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh và 9% kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Xuất khẩu trái cây tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn ngành với kim ngạch xuất khẩu đạt 3 triệu USD, tăng 2 triệu USD so với năm 2022. Đặc biệt, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín và Công ty cổ phần Thủy sản Stapimex là những công ty xuất khẩu đứng tốp đầu của cả nước trong năm 2023.

    Đánh giá về chất lượng trái cây Sóc Trăng qua thời gian dài liên kết xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy - Giám đốc Công ty xuất khẩu cây ăn trái Chánh Thu chia sẻ: “Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp liên kết tiêu thụ xuất khẩu trái cây với tỉnh Sóc Trăng từ rất sớm, chủ yếu là vú sữa xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thời gian đầu cũng khá khó khăn khi vận động bà con làm theo tiêu chuẩn chất lượng mà mình yêu cầu. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi đã nhận được những thành quả rất tích cực, điển hình là việc thay đổi tư duy của bà con nông dân. Như chúng ta thấy thời gian qua, trái vú sữa của tỉnh liên tục xuất khẩu với sản lượng ngày càng cao và nhận được phản hồi rất tốt từ các thị trường khó tính”.

    Xuất khẩu nông sản trong thời gian tới được dự báo sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phải chủ động các giải pháp mang tính căn cơ với tầm nhìn xa hơn; đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm để tìm cơ hội trong thách thức, biến “nguy” thành “cơ”, giúp người nông dân vững lòng tin trong hành trình nâng tầm thương hiệu nông sản tỉnh nhà.


Khâu đóng gói thủy sản

 

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin thêm: “Ngành cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ưu tiên phát triển theo hướng an toàn, hướng hữu cơ để tiếp cận thị trường thế giới. Phát triển nông nghiệp theo hướng quy hoạch của tỉnh đã được phê duyệt để phát triển các vùng trồng, vùng nuôi đảm bảo theo hướng phát triển bền vững. Xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Chú trọng việc chuẩn hóa các sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng mã số vùng trồng, liên kết các chuỗi ngành hàng để ổn định sản xuất từ đầu vào đến đầu ra. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế để đảm bảo đầu ra và giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh”.

    Với tình hình xuất khẩu lý tưởng trên ba ngành hàng chủ lực là con tôm, gạo và trái cây, năm 2023, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã đóng góp hơn 90,8% vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thành công này là bước đệm quan trọng để toàn ngành chủ động kịch bản tăng trưởng tốt hơn cho năm 2024, với kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả ấn tượng hơn trên tất cả các lĩnh vực./.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 52
  • Hôm nay: 7327
  • Trong tuần: 78,034
  • Tất cả: 11,801,354